Cảnh báo bong võng mạc vì dùng điện thoại đêm

23 Mar 2016
Dùng điện thoại quá nhiều, đặc biệt là vào ban đêm, mắt sẽ phải điều tiết đến mức cực đại để nhìn. Bong võng mạc, mù lòa là những nguy cơ xấu nhất nhưng dễ xảy ra nhất.

Loạn nhận thức ngày - đêm : 
Cộng đồng mạng đang hoang mang về một trường hợp thanh niên 26 tuổi ở Trung Quốc bị bong võng mạc mắt sau thời gian dài sử dụng điện thoại nhắn tin liên tục cho bạn gái trong đêm. Võng mạc là phần rất nhạy với ánh sáng và gửi thông điệp đến não thông qua dây thần kinh thị giác. Triệu chứng cảnh báo bong võng mạc thường là xuất hiện các hạt, đốm đen di động trong tầm nhìn trước mắt, chói sáng, nhìn thấy các đốm lóe sáng đột ngột, nhìn mờ... Bệnh nhân này phải đối mặt với nguy cơ mù vĩnh viễn.

BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ cao cấp Bộ Y tế cho biết, bong võng mạc là chứng đứt lìa võng mạc thường tấn công những người trung niên, trong độ tuổi từ 50 - 70. Tuy nhiên, các nhà khoa học thống kê được rằng, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi lâm vào tình trạng này và điện thoại di động, đặc biệt là các điện thoại cảm ứng là một trong những thủ phạm chính. Võng mạc là một lớp thành mỏng thuộc tổ chức các tế bào thần kinh của mắt liên kết hợp thành, nó ở phía sau mắt người, có đặc tính nhạy cảm ánh sáng và gửi các thông điệp đến bộ não thông qua các dây thần kinh thị giác.

Tình trạng võng mạc đứt lìa xảy ra khi lớp thành mỏng phía sau mắt này bắt đầu tách rời khỏi các mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho nó. Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Ánh sáng của Mỹ cũng cho biết, ánh sáng phát ra từ màn hình các thiết bị di động có thể gây ra quá trình ức chế melatonin, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đồng hồ sinh học của một người. Melatonin chính là hormon phát ra các "dấu hiệu" cho phép cơ thể nhận ra hiện tại là ngày hay đêm. Vì lí do này, tiếp xúc với các thiết bị di động trước khi đi ngủ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất ngủ. Mặt khác, do nhân mắt phải điều tiết nhiều khiến dẫn đến chứng cận thị.

Tivi, máy tính cũng là thủ phạm :

Theo BS Hoàng Xuân Đại, tivi, máy tính cũng là những thủ phạm hủy hoại mắt. Đối tượng bị tác động mạnh nhất là trẻ em vì mắt trẻ không chịu đựng được ảnh hưởng của các tia phóng xạ ở tần số sóng ngắn từ tivi hay điện thoại di động. Ngoài việc làm cho trẻ bị nghiện thì các tần số sóng này còn có thể dẫn đến nguy cơ ung thư, vô sinh... khi trưởng thành. 

Học sinh tiểu học dành hơn hai giờ một ngày xem tivi hoặc sử dụng máy tính nhiều khả năng có vấn đề về cảm xúc, quan hệ xã hội và sự tập trung. Tiếp xúc với các trò chơi game cũng làm tăng nguy cơ không tập trung. Trẻ xem tivi nhiều có xu hướng hay bắt nạt trẻ em so với trẻ ít xem. Quá nhiều tiếp xúc với bạo lực trên tivi và trong phim ảnh, video âm nhạc, game và máy tính có thể làm trẻ giảm sự nhạy cảm với bạo lực. Kết quả là, trẻ em có thể học cách chấp nhận hành vi bạo lực như là một phần bình thường của cuộc sống và là một cách để giải quyết vấn đề. Ngoài những hậu quả đó, bong võng mạc, bị bệnh về mắt là vấn đề dễ gặp nhất.

Theo BS Hoàng Xuân Đại, hiện tượng bong hoặc võng mạc diễn tiến khá phức tạp, vì vậy, tùy theo hiện trạng của bệnh các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Khi võng mạc chỉ bị rách, chưa gây bong hoặc chỉ bong một phần nhỏ, các bác sĩ sẽ sử dụng laser bắn xung quanh vết rách để hàn gắn vết thương, ngăn chặn hiện tượng võng mạc bị bong ra. Các trường hợp võng mạc đã bị bong hoàn toàn thì cần can thiệp phẫu thuật giúp võng mạc áp trở lại.

"Ánh sáng màu xanh phát ra từ máy tính, di động, iPad... dễ gây xáo trộn giấc ngủ, khiến bạn khó sâu giấc hơn. Nên để điện thoại di động ra ngoài phòng ngủ, tắt chuông và dùng đồng hồ báo. Khi gọi điện quá lâu, nhiệt độ của máy có thể ngăn cản quá trình sản xuất melanin, gây ra những điểm tối trên da và gây đổi màu. Nếu phải đàm thoại lâu, nên chuyển sang loa ngoài, cắm tai nghe...".BS Hoàng Xuân Đại