Viễn Thị

10 Mar 2016
Viễn thịlà bất thường khúc xạ, có nghĩa là đường đi của tia sáng ở mắt viễn khác so với mắt chính thị. Khi bị viễn thị, các tia sáng song song hội tụ sau võng mạc.

Nguyên nhân:  

có thể là lực khúc xạ của mắt yếu hoặc trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường. Người bị viễn thị nhìn kém cả ở khoảng gần cũng như khi nhìn xa. Muốn thấy rõ, mắt phải điều tiết để đưa ảnh từ sau về đúng trên võng mạc.

Người ta chia viễn thị thành 3 loại:

- Viễn thị nhẹ – dưới 2 đi-ốp

- Viễn thị trung bình – từ 3 đến 5 đi-ốp.

- Viễn thị nặng – hơn 5 đi-ốp.

Ở trẻ em khoảng 3 tuổi, mắt thường bị viễn thị trung bình + 2D.

Nhưng, song song với quá trình phát triển của trẻ, trục nhãn cầu cũng dài ra, con mắt có kích thước bình thường và trở thành chính thị vào khoảng 15 tuổi. Bởi vậy, viễn thị cũng là một giai đoạn phát triển của mắt trước khi thành chính thị.

Ở một số người thì sự phát triển này ngừng lại, con mắt bị ngắn, đó là nguyên nhân chính của viễn thị, gọi là viễn thị do trục chiếm hơn 90% tổng số viễn thị.

Ngoài ra viễn thị còn do những nguyên nhân khác như khi mổ lấy thể thủy tinh bị đục, giác mạc bị dẹt do sẹo, v.v… Những loại này chiếm tỉ lệ ít.

Triệu chứng:

Người trẻ bị viễn thị, vì có lực điều tiết tốt, viễn thị không gây nên sự khó chịu nào, nhìn vẫn rất tốt. Khi tuổi lớn dần, lực điều tiết kém đi, nhìn mới thấy khó khăn. Hiện tượng này phụ thuộc vào mức độ viễn thị, viễn thị càng cao thì thị lực càng bị giảm sút nhanh chóng. Những người có độ viễn thị +1D hoặc +2D chỉ thấy mắt kém vào tuổi gần 40, trong khi người có độ viễn thị lớn hơn thấy mắt kém sớm hơn.

Có khá nhiều biểu hiện chủ quan của mắt viễn thị, phổ biến nhất là mỏi mắt. Người viễn thị đầu tiên cảm thấy nhìn gần khó khăn, trong khi nhìn xa còn rất tốt.

Làm việc lâu bằng mắt sẽ rất mỏi, bắt buộc phải ngưng lại. Sau khi nghỉ ngơi một lát, hết mỏi, làm việc trở lại được và ít lâu sau mỏi mắt lại tái diễn.

Viễn thị cũng hay gây ra cảm giác nặng ở trán, đau ở thái dương, đôi khi nhức đầu thực sự, và muốn nhìn rõ, mắt phải cố gắng điều tiết, như vậy thường kèm theo sự co kéo các cơ trán, lông mày và mi, khiến cho mắt người viễn thị có những nếp nhăn tạo nên một dạng riêng gọi là “bộ mặt viễn thị”.

Mắt viễn thị luôn luôn có xu hướng quay vào trong, rất “hoạt động” cho ta một cảm giác là đôi mắt rất tinh.

Nếu khám sâu vào trong đáy mắt, tuyệt đại đa số không có tổn hại gì, riêng ở gai thị có khi có hình thái như bị viêm, nên được gọi là “viêm gai thị giả của viễn thị”.

Các triệu chứng mờ mắt, nhức đầu, thị lực giảm đã làm nhiều người lo sợ nghĩ đến một bệnh cấp diễn và tức thời đi khám mắt. Đó là ý thức rất tốt. Nhưng có trường hợp được chẩn đoán là glôcôm, được theo dõi nhãn áp và làm các xét nghiệm chuyên khoa rất “chu đáo” mà vẫn không xác định được “bệnh”.

Có người khác thì được nghĩ tới mờ mắt, nhức đầu là do viêm xoang, suy nhược thần kinh… được chụp xoang, chụp sọ… Dĩ nhiên là tốn thuốc, tốn công vô ích và “bệnh” chỉ khỏi với một cặp kính hội tụ thích hợp.

Điều đáng lưu ý là một số không nhỏ mắt viễn thị, khi dùng kính, thị lực không tăng lên tới mức bình thường (10/10) là vì như trên chúng ta đã biết, viễn thị là con mắt phát triển chưa hoàn thiện.

Bên cạnh những biểu hiện của mắt viễn thị như chúng tôi đã kể ở trên thì hậu quả rất thường gặp là lé, bao giờ cũng là lé trong.

Sau hết là bệnh glôcôm rất thường thấy trên những người viễn thị. Người ta cho là do thể mi to, tiền phòng hẹp trong mắt viễn thị là điều kiện thuận lợi để phát sinh bệnh này